Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Giữa dòng mưu sinh - Kì 1: Bôn ba đời RÁC

Go down

Giữa dòng mưu sinh - Kì 1: Bôn ba đời RÁC Empty Giữa dòng mưu sinh - Kì 1: Bôn ba đời RÁC

Bài gửi by o0STH0o 22/1/2009, 22:30

Mưu sinh trên rác
(VOV) - Một ngày quần quật mưu sinh trong hôi hám, bệnh tật đe dọa vẫn không giúp những người nhặt rác thoát ra khỏi cái nghèo đeo bám mỗi phận người!

Những cơn mưa làm cho bãi rác ở phường 5 thị xã Đông Hà (Quảng Trị) bốc lên màu khói vàng lợm, hôi nồng nặc nhưng vẫn không ngăn nổi bước chân của “đội quân” tìm kiếm rác. Công việc của họ được bắt đầu khi trời tờ mờ sáng cho đến lúc nhá nhem tối.

Những lán trại cứ nhiều thêm. Song cũng không ít gia đình không chịu được trong môi trường ô nhiễm, đầy bệnh tật nên cũng bỏ nghề, trở về quê với mấy sào ruộng! Cơn mưa bất chợt buổi chiều đã đuổi lũ quạ đen ra xa, chỉ còn lại những bóng người lầm lũi, bì bõm giữa muôn trùng… rác.

Bới rác nuôi con

Theo chân những người bới rác, chúng tôi được chứng kiến cảnh mưu sinh đầy vất vả của họ. ở bãi rác này, không chỉ có những người già, phụ nữ mà cả những đứa trẻ cơ nhỡ cũng trôi dạt về đây kiếm miếng cơm manh áo. Mỗi người mỗi mảnh đời, mỗi số phận khác nhau, song họ cùng chung cảnh: nghèo!

Giữa dòng mưu sinh - Kì 1: Bôn ba đời RÁC Rac-1

Với công cụ lao động là chiếc cào, đôi găng tay, những người nhặt rác không ngừng tìm kiếm, cào móc từ cái bao nilon, cái lốp xe, lon sữa cho đến bất cứ thứ gì có thể bán được từ bãi rác. Với họ những thứ kiếm được từ bãi rác đó là nguồn thu nhập chính cho cả gia đình. Một tay vác bao tải trên vai, tay kia vẫn không ngừng đào bới tìm kiếm, anh Nguyễn Văn Hạnh, đưa mắt nhìn chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy chúng tôi đặt chân đến “thánh địa” rác này. Sau vài phút làm quen anh “khuyên”: “Mấy chú ra đây làm gì, vào bên đường mà đứng, cái nghề này có gì đâu mà xem. ở đây 5 phút, không quen là chết ngạt liền!”. Trời mưa lạnh, mời điếu thuốc, anh châm rít liền mấy hơi. Anh Hạnh kể, những người làm nghề nhặt rác như anh ở đây có đến mấy chục người. Họ là những người dân tứ xứ, song chủ yếu vẫn là người trong tỉnh. Nhiều gia đình từ dưới quê lên thị xã đi làm cửu vạn nhưng rồi người nhiều, việc ít nên họ phiêu bạt đến đây kiếm rác mưu sinh. Theo anh Hạnh thì muốn kiếm được nhiều rác thì phải thức dậy thật sớm, “cơm đùm gạo bới” lên đây, trời tờ mờ sáng là đã vào việc. Mỗi ngày tại đây có từ 5 đến 7 chuyến xe chở rác đến các “cư dân rác” phân loại đóng vào từng bao tải. . Mấy chục con người ở đây lam lũ cả tháng trời cũng chỉ kiếm được trên dưới một tấn rác, mỗi tấn rác cho thu nhập 800.000 đồng.

Anh Hạnh lên đây cùng vợ là chị Trần Thị Kiếm, hai vợ chồng đánh vật suốt ngày trên bãi rác mới kiếm được 30 - 40.000 đồng/ngày. Chị Kiếm cho biết: “Mấy tháng trước thì đỡ hơn, nhựa bữa nay hạ xuống chỉ còn 3.000đ/kg. Làm đầu tắt mặt tối cả ngày mà vẫn phải chạy gạo từng bữa vì còn 4 đứa con đang độ tuổi ăn học”. Khi được hỏi về gia cảnh, đôi mắt anh Hạnh buồn xa xăm: “ở quê (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) cả gia đình có 6 miệng ăn mà chỉ có 4 sào ruộng. Quanh năm chỉ trông chờ mấy con cá trên đồng, ruộng thì làm được một vụ, bữa được bữa mất”. Gia cảnh khó khăn, cả nhà anh dắt díu nhau ra Quảng Trị lập nghiệp trong tay chỉ có… 1 triệu đồng rồi trôi dạt đến bãi rác này mưu sinh. “Mình tưởng làm một thời gian rồi đổi nghề mới. Ai ngờ đã hơn mười năm, vì kế sinh nhai mà luẩn quẩn mãi nơi hôi hám này”, anh chua xót kể.

Vậy mà gia đình anh Hạnh còn hạnh phúc hơn khối người ở bãi rác này là còn có vợ có chồng. Như gia đình chị Lê Thị Xuân (Phường 3, Đông Hà) thì một tay chèo chống nuôi 3 đứa con ăn học. Lao động cực nhọc, làm cho tấm thân còm cõi của chị lọt thỏm trong chiếc áo mưa “bảo hộ” lao động của mình! Từ ngày chồng chị mất trong một tai nạn lao động, gánh nặng mưu sinh đè lên đôi vai gầy của chị. Hàng ngày chị dậy thật sớm, sau khi lo cơm nước xong xuôi cho 3 đứa con kịp giờ đến lớp, chị lại tất tả trên chiếc xe đạp cũ nát tìm đến bãi rác. Chị tâm sự: “Cực mấy cũng chịu được. Chỉ lo không có sức khỏe mà nuôi con thôi. Cả nhà chỉ trông chờ vào mấy bao rác tui kiếm được hàng ngày. Nghỉ ngày nào thì đói ngày đó!”. Những đứa con của gia đình anh Hạnh, chị Xuân tranh thủ ngày nghỉ cũng lên đây phụ bố mẹ nhặt rác. Cả gia đình họ quần quật ngày nắng cũng như ngày mưa, chỉ mong kiếm được bát cơm qua ngày.

Dựng trại tìm rác


Giữa dòng mưu sinh - Kì 1: Bôn ba đời RÁC Rac-3

Nếu bên kia đường chính là bãi rác của thị xã - nơi mưu sinh của hàng chục con người, thì bên này đối diện là những lán trại “dã chiến” của đội quân tìm rác. Những gia đình đến đây mưu sinh hầu hết có nhà ở rất xa, không thể đi về trong ngày. Họ phải dựng những lán trại này để che nắng mưa cho giờ ăn cơm, nghỉ trưa của cả gia đình. Nói là “lán trại”, chứ thật ra chỉ là những tấm nilon vá chằng vá đụp. Bên trong lán là những đùm cơm được ủ ấm trong mấy lớp bao nilon. Cơm được bới theo từ sáng sớm đủ dùng cho cả ngày. Phía trước “sân”, những bộ áo quần nhàu nát được phơi vội cho khô kịp ngày mai mặc làm tiếp. “Nhà” của anh Hạnh là những chiếc cột bạch đàn được dựng lên để neo mấy tấm vải (vật liệu cũng từ bãi rác) tạm bợ. Trời mưa, chỉ một cơn gió mạnh cũng đủ làm cả nhà ướt như chuột lột! Những lán trại là chỗ để ăn cơm, cũng là nơi để phân loại phế liệu khi gặp trời mưa gió.

Giữa dòng mưu sinh - Kì 1: Bôn ba đời RÁC Rac-5

Bữa cơm gia đình được bày vội vàng dưới manh chiếu rách. Anh Hạnh cho biết, phải ăn nhanh mới kịp giờ làm, chiều là xe ghé đến lấy rác rồi. Không có thì bữa sau người ta “chê” rác của mình thì có mà đói cả nhà. Thấy tôi lôi từ trong túi áo chiếc máy ảnh, anh Hạnh vội ngăn: “Mấy chú đừng chụp hình đưa lên báo, tủi thân lắm. Để vợ con phải ăn cơm ở những nơi như thế này, tui thấy mình tệ quá!” Nghe đến đây, miếng cơm như nghẹn đắng trong cổ họng người vợ trẻ.

Ở khu đất này có gần chục lán trại được dựng lên. Mỗi gia đình có từ 2 - 3 người đến bãi rác này mưu sinh đều tập trung về đây ăn bữa cơm vội vàng. Hầu hết những gia đình đến đây đều phải thuê trọ ở trên thị xã. Chị Xuân cho hay: Mỗi ngày, chị phải đạp xe hơn hai chục cây số. Đi xe máy thì tiền xăng xem như gần đứt cả một ngày lượm bao chai. Còn những gia đình trong “đội quân” tìm rác như anh Thu (phường 2, Đông Hà), chị Tâm (Triệu Đại, Triệu Phong) đều phải đèo nhau gần 30 chục cây số mỗi ngày. Theo anh Hạnh, số người làm nghề nhặt rác ở khu rác này ngày một đông. Những lán trại cứ nhiều thêm. Song cũng không ít gia đình không chịu được trong môi trường ô nhiễm, đầy bệnh tật nên cũng bỏ nghề, trở về quê với mấy sào ruộng!

Cơn mưa bất chợt buổi chiều đã đuổi lũ quạ đen ra xa, chỉ còn lại những bóng người lầm lũi, bì bõm giữa muôn trùng… rác./.

Nguyễn Khánh - Nguyễn Phúc
(Theo VOVNEW.VN)
o0STH0o
o0STH0o
Moderator
Moderator

Tổng số bài gửi : 61
Age : 36
Đến từ : Ai biết đâu, mà hỏi làm giè?
Registration date : 10/01/2009

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết